Cơ hội lớn
Theo Bản đồ Tài nguyên gió của Việt Nam (nguồn Ngân hàng Thế Giới), Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió lớn nhất so với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan… Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ trong tiềm năng to lớn này. Cũng theo khảo sát của World Bank, vùng duyên hải miền Nam và Nam Trung Bộ được đánh giá có tiềm năng lớn nhất cả nước trong phát triển các tuabin gió lớn, đặc biệt là hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Hiện tại, một nhà máy điện gió sắp hoàn thành tại Bình Thuận với 30 trụ gió, trong đó có 20 tổ máy phát điện với tổng công suất 30 MW.
Năng lượng điện gió đã có cơ chế hỗ trợ (Ảnh minh họa)
Bà Phan Thị Thủy Tiên - Trưởng ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Dự tính đến năm 2030, nhu cầu năng lượng tăng gấp 4 lần so với 2005. Riêng nhu cầu điện từ nay đến năm 2025 dự kiến tăng hơn 10%/năm so với năm 2010. Trong khi đó, các công trình thủy điện lớn sẽ được xây dựng và khai thác hết công suất ngay trong thập kỷ này. Các nguồn năng lượng hoá thạch (than, dầu, khí) có hạn, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập than, nên sẽ phụ thuộc vào giá nhiên liệu trên thế giới. Vì vậy, việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió là vấn đề hết sức cấp thiết”.
Vẫn còn những khó khăn
Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ quy định, các dự án điện gió được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án. Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cũng như việc miễn, giảm thuế TNDN đối với dự án điện gió được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án điện gió và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đặc biệt, đối với dự án điện gió nối lưới còn được hỗ trợ giá điện. Cụ thể, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Ông Đặng Trọng Hiếu - Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện gió Việt Nam: Việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển điện gió là cơ sở để khuyến khích phát triển các dự án đầu tư điện gió tại Việt Nam, tạo tiền đề cho các nhà đầu tư có một phép tính sát với thực tế nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho các dự án điện gió”. |
|
Tuy nhiên, từ khuyến khích đến việc thực hiện các dự án điện gió hiện vẫn là một chặng đường nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư. Ông Đặng Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện gió Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta hiện có các chuyên gia về khí tượng, năng lượng nhưng nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu về điện gió lại rất hạn chế, nhất là kinh nghiệm thực tiễn vận hành một nhà máy điện gió tại Việt Nam. Suất đầu tư điện gió thế giới cũng như ở Việt Nam còn khá cao, mức dao động lớn. Mức cao nhất là 2,77 triệu USD/MW; thấp nhất là 1,77 triệu USD/MW và trung bình là 2,2 triệu USD/MW”. Trong khi giá điện tại Việt Nam còn thấp, nên việc khuyến khích phát triển điện gió sẽ còn nhiều khó khăn do thời gian thu hồi vốn chậm”.
Như vậy, tiềm năng về điện gió của Việt Nam là có, nhưng để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực lại là vấn đề khác. Bên cạnh những mặt tích cực, nhược điểm lớn nhất của điện gió là sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chế độ gió. Bên cạnh đó, các trạm điện gió có thể gây ô nhiễm tiếng ồn trong vận hành, phá vỡ cảnh quan tự nhiên và có thể ảnh hưởng đến tín hiệu của các sóng vô tuyến. Do đó, khi xây dựng các nhà máy điện gió cần nghiên cứu kỹ địa hình, chế độ gió, khoảng cách hợp lý đến các khu dân cư, khu du lịch để không gây những tác động tiêu cực.