Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu các thiết bị điện gia dụng, thiết bị công nghiệp sẽ bị phạt tối đa đến 50 triệu đồng nếu không dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2013.
Đó là lưu ý của ông Lê Đại Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế thuộc Bộ Tư pháp với các doanh nghiệp tại hội thảo về dán nhãn năng lượng bắt buộc do Sở Công Thương TPHCM và Tổng cục Năng lượng tổ chức, ngày 16/8/2012.
"Nhãn so sánh" được sử dụng để dán cho các sản phẩm có hiệu suất năng lượng tương ứng với các cấp 1,2,3,4,5 theo tiêu chuẩn quốc gia
Theo lộ trình, nhóm thiết bị điện gia dụng (thiết bị chiếu sáng, quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy giặt, máy thu hình) và nhóm thiết bị công nghiệp (máy biến áp phân phối, động cơ điện) là 2 nhóm bắt buộc phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2013.
Ông Hải cho biết, các mức xử phạt vi phạm hành chính về nhãn năng lượng gồm không dán nhãn năng lượng cho sản phẩm bắt buộc bị cảnh cáo vi phạm lần đầu, phạt 10 - 20 triệu đồng nếu vi phạm lần 2 và phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu vi phạm lần 3.
Ngoài ra, nếu nhà sản xuất, nhà nhập khẩu dán nhãn năng lượng không đúng cho sản phẩm được chứng nhận thì bị phạt 50 - 70 triệu đồng, thu hồi nhãn năng lượng. Cung cấp thông tin sai trên nhãn năng lượng so với giấy chứng nhận bị phạt từ 30 - 50 triệu đồng.
Một số cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm về dán nhãn năng lượng gồm:Thanh tra viên ngành công thương,Chánh thanh tra các sở công thương,Chánh thanh tra Bộ Công Thương,chủ tịch UBND các cấp tỉnh,cấp huyện và cấp xã.
Theo Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương, có 2 loại nhãn năng lượng được dán trên các nhóm sản phẩm thiết bị điện nói trên. Một là "nhãn xác nhận" hay còn gọi nhãn "ngôi sao năng lượng Việt" là loại nhãn được sử dụng dán trên các sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao theo tiêu chuẩn quốc gia (hiện tại đang sử dụng cho các loại bóng đèn và balast).
Hai là "nhãn so sánh" được sử dụng để dán cho các sản phẩm có hiệu suất năng lượng tương ứng với các cấp 1,2,3,4,5 theo tiêu chuẩn quốc gia. Cấp 5 là cấp có hiệu suất năng lượng cao nhất, ứng với nhãn 5 sao (hiện tại nhãn này đang sử dụng cho các loại thiết bị điện gia dụng như quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nổi cơm điện ...).
Theo Tổng cục Năng lượng, doanh nghiệp muốn dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình, trước tiên sản phẩm phải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng của các phòng thí nghiệm do Bộ Công Thương công nhận, sau đó nộp hồ sơ tại Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, Hà Nội) để được xem xét cấp nhãn năng lượng.
Theo quy trình thì toàn bộ thời gian gửi mẫu thử nghiệm và thời gian nộp hồ sơ và được cấp nhãn năng lượng mất khoảng 2 tháng.
Tổng cục Năng lượng cho biết, hiện cả nước có khoảng 5 phòng thử nghiệm được Bộ Công Thương công nhận. Phòng thử nghiệm sẽ có hai phương pháp đánh giá hiệu suất năng lượng của sản phẩm, một là đánh giá để chứng nhận theo từng lô hàng, hai là chứng nhận ngay tại nguồn, cơ sở sản xuất để cấp chứng nhận cho cả một dòng sản phẩm có hiệu lực trong 3 năm.
Theo lộ trình tiếp theo, nhóm sản phẩm thiết bị văn phòng và thương mại gồm máy photocopy, màn hình máy tính, máy in, tủ giữ lạnh thương mại cũng sẽ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2014. Sau đó, nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm xe ô tô từ 7 chỗ trở xuống sẽ bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1/1/2015.
Một số văn bản luật liên quan đến việc dán nhãn năng lượng:
- Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Quốc hội ban hành năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011.
- Quyết định 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.
- Nghị định 73/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho trang thiết bị sử dụng năng lượng theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn